Giám đốc Công ty Luật TNHH Devinci Pacific, ông Nguyễn Đức Hiếu đã bình luận về vấn đề ban hành Quyết định đình chỉ bị can của Viện kiểm sát trong vụ người mang thân phận bị can 38 năm, được đăng trên Báo điện tử pháp luật TPHCM. Ông là chuyên gia uy tín lâu năm với trình độ cao trong lĩnh vực pháp lý. Sau đây, chúng tôi xin trích dẫn lại toàn bộ bài báo.

Nguồn: Song Mai. Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh (số đăng ngày 30/10/2023). Vụ người mang thân phận bị can 38 năm: Viện kiểm sát cần ra quyết định đình chỉ bị can.

———————————————————————-

Vừa qua, TAND TP.HCM mở phiên họp xem xét kháng cáo của ông Trịnh Dân Cường (67 tuổi, ngụ quận 6, TP.HCM) về việc xem xét quyết định sơ thẩm trong vụ tranh chấp về bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự, với bị đơn là VKSND quận 6.

Vụ án oan của ông Cường nhận được sự quan tâm của dư luận, bởi ông Cường đã được xác định không liên quan tới vụ án trộm vàng nhưng vẫn mang thân phận bị can suốt 38 năm.

Đình chỉ do không cung cấp được chứng cứ chứng minh

Hồ sơ thể hiện ngày 28-2-1985, ông Cường và hai người khác bị Công an quận 6 bắt tạm giam vì nghi trộm vàng. Các quyết định tố tụng trên đều được VKSND quận 6 phê chuẩn.

Đến ngày 3-12-1986, ông Cường được Công an TP.HCM trả tự do với lý do “không liên quan đến vụ trộm tiệm vàng”.

p7-anh-bai-oan-quy-4587-3477.jpg

Ông Trịnh Dân Cường

Tháng 1-2023, ông Cường nộp đơn khởi kiện VKSND quận 6 vì cơ quan này đã khiến ông bị giam oan 21 tháng bốn ngày, chịu nhiều tủi nhục, gia đình ly tán…

Quá trình hòa giải, VKSND quận 6 giữ quan điểm cho rằng ông Cường bị oan bởi bản án hình sự phúc thẩm ngày 21-2-1990 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM) nhưng đến nay ông Cường mới nộp đơn yêu cầu được bồi thường thiệt hại là hết thời hạn giải quyết theo quy định.

TAND quận 6 sau đó đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ kiện trên với lý do các tài liệu, chứng cứ nộp kèm theo đơn khởi kiện của ông Cường chưa đủ điều kiện khởi kiện.

Không đồng ý, ông Trịnh Dân Cường đã kháng cáo. Ông Cường thu thập và giao nộp cho tòa án bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM năm 1989 và bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM năm 1990. Theo hai bản án này, ông Cường được xác định là bị hại và những người thuộc Công an quận 6 và VKSND quận 6 liên quan việc bắt giam oan ông Cường đã bị kết án.

Tòa phúc thẩm cho rằng trường hợp của ông Cường cần áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 để giải quyết.

Theo đó, luật này quy định văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự gồm: Bản án của tòa án có thẩm quyền xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường; quyết định của tòa án, VKS, cơ quan điều tra…

Ông Cường không có một trong các điều kiện theo quy định của pháp luật như đã viện dẫn nêu trên nên cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết vụ án là đúng quy định.

HĐXX phúc thẩm cũng không có căn cứ chấp nhận kháng cáo vì ông Cường kháng cáo nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc kháng cáo.

VKS ra quyết định đình chỉ thì không tính thời hiệu

Theo ThS Nguyễn Đức Hiếu, ông Cường được thả ra do có quyết định của Công an TP.HCM vào ngày 3-12-1986.

Điều 10 Luật Tổ chức VKSND năm 1981 (luật có hiệu lực tại thời điểm có quyết định thả tự do đối với ông Cường) quy định VKS có quyền ra các quyết định bắt, tạm giam, tha, tạm tha… và chuyển đến cơ quan điều tra để yêu cầu thi hành; hủy bỏ các quyết định thiếu căn cứ hoặc trái pháp luật của cơ quan điều tra.

Ngoài ra, khi thực hiện công tác kiểm sát giam, giữ, VKS có quyền quyết định việc trả tự do cho người bị giam, giữ không có căn cứ và trái pháp luật.

Từ đó cho thấy Công an TP.HCM thời điểm đó ra quyết định thả người trái thẩm quyền và VKSND quận 6 đã chưa thực hiện đúng các quy định tố tụng, bởi VKS mới là cơ quan có thẩm quyền trong việc phê chuẩn các văn bản tố tụng hình sự, đồng thời có thể phê chuẩn hay không phê chuẩn các quyết định bắt, tạm giam, gia hạn tạm giam, tha, tạm tha.

Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, cho rằng đối với vụ án của ông Cường đang ở giai đoạn điều tra nên VKSND quận 6 phải làm rõ việc ông Cường bị bắt giam oan. Từ đó, VKSND quận 6 phải ra quyết định đình chỉ bị can, đình chỉ vụ án cho ông Cường.

“Việc cơ quan VKS ra quyết định đình chỉ thì không tính thời hiệu. Do đó, dù đã qua mấy chục năm đi nữa thì cơ quan VKS phải ra quyết định đình chỉ bị can, đình chỉ vụ án để ông Cường yêu cầu bồi thường oan sai. Phải có các quyết định này thì khi ông Cường khởi kiện yêu cầu bồi thường, tòa án mới xem xét, giải quyết” – ông Độ cho nói.

Cùng quan điểm, luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng ông Cường cần yêu cầu VKSND quận 6 ra quyết định đình chỉ bị can để làm căn cứ yêu cầu bồi thường, xin lỗi. Trường hợp VKSND quận 6 ra quyết định không chấp thuận yêu cầu thì ông Cường có thể tiến hành khởi kiện hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 115 Luật Tố tụng hành chính.

VKSND Tối cao rút kinh nghiệm một vụ VKS không đồng ý bồi thường

Tháng 10-2019, VKSND Tối cao đã có thông báo rút kinh nghiệm việc giải quyết yêu cầu bồi thường đối với trường hợp của ông Nguyễn Văn Dũng (một trong tám nạn nhân vụ án oan trộm vàng 40 năm ở Tây Ninh).

Sau khi ông Dũng yêu cầu bồi thường, VKSND tỉnh Tây Ninh cho rằng ông Dũng không có đơn yêu cầu bồi thường đúng trong thời gian quy định, dẫn đến không có căn cứ xem xét (theo ông Dũng ngay khi được thả, ông đã gửi đơn).

Tuy nhiên, VKSND Tối cao xác định ông Dũng bị oan và phải được giải quyết bồi thường nên đề nghị VKSND tỉnh Tây Ninh thụ lý, sau đó VKSND tỉnh Tây Ninh đã tiến hành giải quyết bồi thường theo quy định.

Theo VKSND Tối cao, đây là trường hợp điển hình về vụ việc xảy ra đã lâu, hồ sơ tố tụng cũng như các loại giấy tờ sổ sách chứng minh việc ông Dũng gửi đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại đến các cơ quan có thẩm quyền bị thất lạc, mất nhiều thời gian tìm kiếm, khôi phục.

VKSND Tối cao xét thấy cần rút kinh nghiệm chung một số vấn đề:

Khi xảy ra các vụ việc có dấu hiệu oan, thủ trưởng VKSND các cấp phải quan tâm xem xét giải quyết các yêu cầu bồi thường với thái độ cầu thị, không đùn đẩy, né tránh.

Khi tiếp nhận các yêu cầu bồi thường thiệt hại, thủ trưởng VKSND các cấp phải khẩn trương chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch xác minh để làm rõ căn cứ điều kiện thụ lý hoặc không thụ lý các yêu cầu bồi thường.

Khi đã xác định rõ trách nhiệm bồi thường của VKS thì phải chủ động công khai xin lỗi, phục hồi danh dự cho người bị oan, tôn trọng nguyện vọng chính đáng của người bị oan…

NGUYEN DUC HIEU