Giám đốc Công ty Luật TNHH Devinci Pacific, ông Nguyễn Đức Hiếu đã nêu ý kiến liên quan đến quy định về thẩm phán và thư ký tòa án, được đăng trên Báo điện tử pháp luật TPHCM. Ông là chuyên gia uy tín lâu năm với trình độ cao trong lĩnh vực pháp lý. Sau đây, chúng tôi xin trích dẫn lại toàn bộ bài báo.
Nguồn: Quỳnh Mai – Quỳnh Trang. Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh (số đăng ngày 03/01/2024). Đề xuất nhiều đổi mới liên quan đến thẩm phán, thư ký tòa.
———————————————————————-
Thay vì bổ nhiệm lại nhiệm kỳ 10 năm như hiện nay, cơ quan soạn thảo đề xuất thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
Sau kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, TAND Tối cao vẫn đang tiếp tục hoàn thiện Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), thay thế cho Luật Tổ chức TAND 2014.
Theo dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến, cơ quan chủ trì soạn thảo đã có tờ trình trình bày nhiều đổi mới của dự luật, trong đó có các quy định liên quan đến thẩm phán, thư ký tòa án.
Thay đổi từ ngạch, bậc đến điều kiện bổ nhiệm
Luật Tổ chức TAND 2014 quy định thẩm phán TAND gồm bốn ngạch: Thẩm phán TAND Tối cao; thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp.
Cần có quy định về việc hạ bậc thẩm phán
Có ý kiến đề nghị có quy định về nâng bậc thẩm phán thì cũng phải có quy định về việc hạ bậc thẩm phán nếu thẩm phán có vi phạm đến mức phải hạ bậc.
Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về số lượng thẩm phán theo bậc và quy định hợp lý về thời gian giữ bậc, tránh tình trạng đến tuổi nghỉ hưu vẫn chưa được nâng bậc lương cuối cùng.
Nay, đề xuất mới tại dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) quy định thẩm phán TAND chỉ còn hai ngạch gồm thẩm phán TAND Tối cao và thẩm phán. Trong đó, thẩm phán TAND Tối cao gồm hai bậc, từ bậc 01 đến bậc 02; thẩm phán gồm có chín bậc, từ bậc 01 đến bậc 09.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thẩm phán, thẩm phán TAND Tối cao, bao gồm: Độ tuổi (từ đủ 45 tuổi với thẩm phán TAND Tối cao, từ đủ 28 tuổi đối với thẩm phán), thâm niên giữ ngạch, phẩm chất đạo đức và tín nhiệm, chất lượng công việc đã hoàn thành.
Việc bổ nhiệm thẩm phán “suốt đời” cũng được đặt ra trong lần sửa đổi này. Thay vì bổ nhiệm lại nhiệm kỳ 10 năm như hiện nay, cơ quan soạn thảo đề xuất thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
Tương tự, thư ký tòa án hiện có ba ngạch: thư ký viên, thư ký viên chính và thư ký viên cao cấp. Tuy nhiên, hiện nay trong thang bảng lương chuyên môn nghiệp vụ của ngành tòa án lại không quy định bảng lương của thư ký viên chính và thư ký viên cao cấp nên thực tiễn hiện nay không thể bố trí nhân sự đã trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch thư ký viên chính, thư ký viên cao cấp vào các ngạch thư ký viên chính và thư ký viên cao cấp.
Còn theo dự thảo luật sửa đổi, chức danh thư ký tòa án sẽ không phân ngạch mà chia làm 12 bậc, thời gian giữ bậc do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Chánh án TAND Tối cao.
Góp phần xây dựng một nền tư pháp độc lập
Với những đề xuất mới liên quan đến ngạch, bậc thẩm phán, theo TAND Tối cao, việc quy định hai ngạch thẩm phán nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành trong việc điều động, bố trí, thực hiện chính sách cho thẩm phán, nâng cao niềm tin của người dân đối với cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; khuyến khích thẩm phán chuyên tâm phấn đấu cho hoạt động xét xử để trở thành các chuyên gia có trình độ cao.
Trước đó, thảo luận tại tổ về dự án luật này tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, có 20 ý kiến đại biểu tán thành với đề xuất trên và giải trình của cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên, cũng có tới 14 ý kiến đại biểu không tán thành với lý do việc nhập các ngạch thẩm phán cao cấp – trung cấp – sơ cấp thành một ngạch thẩm phán sẽ tạo nên sự không thống nhất với các cơ quan tư pháp khác, khó khăn trong công tác tổ chức xét xử.
Về vấn đề này, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Nguyễn Minh Cảnh (nguyên thẩm phán TAND TP.HCM) cho rằng dự thảo đã quy định chi tiết, thỏa đáng, vừa quan tâm đến thâm niên công tác nhưng cũng đảm bảo cho người trẻ phát triển. Mặt khác, dự thảo thể hiện sự coi trọng những thẩm phán lâu năm có nhiều kinh nghiệm, đóng góp tích cực nhằm nâng cao chất lượng xét xử.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Phước (nguyên chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa) đánh giá rằng đề xuất mới này góp phần “xây dựng một nền tư pháp độc lập”. Việc thay đổi ngạch, bậc đối với các chức danh tư pháp thì năng lực của tòa án cấp sơ thẩm sẽ mạnh lên, đồng thời công tác xét xử có chất lượng đối với tất cả các loại án; còn tòa án cấp phúc thẩm sẽ chỉ chuyên xét xử phúc thẩm.
Cũng theo nguyên chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa, nếu để việc phân ngạch thẩm phán như hiện nay bao gồm thẩm phán sơ cấp – trung cấp – cao cấp tương ứng với các ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp thì thẩm phán sẽ không thể hiện được độc lập với cơ quan hành chính. Khi đó có thể dẫn đến tình trạng thẩm phán “xét xử lấy lòng”, ảnh hưởng đến tính công bằng, công minh trong việc xét xử.
Chọn lọc kỹ để đảm bảo chất lượng thẩm phán TAND Tối cao
Theo một thẩm phán đang công tác tại TAND TP Biên Hòa, Đồng Nai, việc quy định thư ký tòa án có 12 bậc để dần quy định mức lương thư ký theo từng bậc – từ bậc 01 đến bậc 12. Từ đó đảm bảo cho thư ký về mức tiền lương, chế độ bảo hiểm… theo thâm niên làm việc. Tương tự như hiện nay, lương thư ký đang được áp dụng chín bậc tại Nghị quyết 730/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, theo thẩm phán này, việc đảm bảo lương cho thư ký tòa cũng vẫn chưa giải quyết được vấn đề “số lượng thư ký giúp việc cho thẩm phán” hiện nay, không hạn chế được việc một thư ký phải giúp việc cho 3-4 thẩm phán.
Trong khi đó, ThS Nguyễn Đức Hiếu – ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM thì cho rằng việc chia thư ký thành 12 bậc có nhiều thuận lợi hơn là khó khăn, như tạo điều kiện trong việc tăng lương cho các thư ký. Đặc biệt là các thư ký lâu năm nhưng họ không có mong muốn hoặc yêu cầu về vị trí khác cao hơn thì cũng có những bậc lương mới để có thể tăng thêm thu nhập, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống.
Liên quan đến những đổi mới với chức danh thẩm phán, theo ThS Hiếu, quy định về điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao tại dự thảo đã mở hơn. Cụ thể, dự thảo quy định thẩm phán TAND Tối cao phải có độ tuổi từ 45 tuổi trở lên và đã là thẩm phán bậc 6 từ đủ ba năm trở lên.
Hiện Luật Tổ chức TAND 2014 quy định điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao là người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 67 của luật này và đã là thẩm phán cao cấp từ đủ năm năm trở lên. Quy định hiện hành có thể gây khó cho một số người đã là thẩm phán trung cấp trong thời gian dài nhưng chưa là thẩm phán cao cấp…
ThS Hiếu cũng đề nghị phải chọn lọc thật kỹ để đảm bảo chất lượng của thẩm phán TAND Tối cao.•
Thẩm phán được hưởng chính sách ưu đãi khi gặp rủi ro nghề nghiệp
Điều 101, 120 dự thảo Luật quy định thẩm phán, thư ký toà án được hưởng chính sách ưu tiên về tiền lương, phụ cấp. Trong đó, chế độ tiền lương, thang bảng lương sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Chánh án TAND Tối cao; còn phụ cấp trách nhiệm sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định hai đối tượng này sẽ có thang bậc lương phù hợp với đặc thù của công tác xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Đáng chú ý, dự thảo luật bổ sung quy định thẩm phán sẽ được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi khi bị tổn hại sức khỏe, tính mạng vì lý do công vụ.
Góp ý về quy định này trước đó, có đại biểu Quốc hội cho rằng bảo vệ thẩm phán và các chức danh tư pháp khác của tòa án khi thi hành công vụ là phù hợp, vì thẩm phán phải thường xuyên tiếp xúc với tội phạm. Những mặt trái của xã hội tiềm ẩn rủi ro cao, nhiều nguy hiểm.
Tuy nhiên, bên cạnh thẩm phán thì thư ký tòa án hay thẩm tra viên là chức danh tư pháp trực tiếp thực hiện các tác nghiệp tiếp xúc, làm việc với các đương sự nên nguy cơ bị đe dọa đến sức khỏe, tính mạng cũng rất cao.
Do đó, đây cũng là những đối tượng cần được bảo vệ khi thi hành công vụ và đề nghị bổ sung nội dung thẩm tra viên, thư ký tòa án được hưởng chế độ chính sách ưu đãi khi bị tổn hại sức khỏe, tính mạng như đối với thẩm phán.
NGUYEN DUC HIEU