Tôi đã bình luận về vấn đề Viện kiểm sát được truy tố 1/2 khung hình phạt, được đăng trên Báo điện tử pháp luật TPHCM. Sau đây, tôi xin trích dẫn lại toàn bộ bài báo.
Nguồn: Song Mai, Châu Yến. Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh (số đăng ngày 06/6/2023). Đề xuất VKS được truy tố 1/2 khung hình phạt: Có nên không?
———————————————————————-
Nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất mới về thẩm quyền truy tố người chưa thành niên của VKS đưa vào dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là không cần thiết.
Ngày 10/4/2023, Tòa án nhân dân Tối cao đã đề nghị xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên với sáu nhóm chính sách cụ thể. Trong đó, đáng chú ý là việc dự luật sẽ cho phép VKS được quyền truy tố người chưa thành niên theo mức hình phạt chỉ bằng 1/2 mức hình phạt trong khung hình phạt tương ứng.
Để làm rõ hơn về đề xuất này, chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến phân tích của các chuyên gia.
Tòa Gia đình và người chưa thành niên TAND TP.HCM xét xử một bị cáo là người chưa thành niên.
ThS VÕ VĂN TÀI (Phó khoa Kiểm sát hình sự Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP.HCM):
Phải sửa BLHS nếu không sẽ trái luật
BLHS là văn bản pháp lý nền tảng để truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS). Tất cả chính sách hình sự phải phản ánh cơ bản và không được mâu thuẫn với BLHS.
Theo nguyên tắc pháp chế, VKS chỉ được truy tố trong khung hình phạt thỏa mãn hành vi phạm tội; hành vi phạm tội khung nào truy tố khung đó, không truy tố 1/2 khung. Đối với người chưa thành niên phải vận dụng thêm chính sách hình phạt dành cho người chưa thành niên. Tòa án đưa ra xét xử đúng khung hình phạt VKS truy tố hoặc có thể xét xử khung nhẹ hơn hoặc nặng hơn nhưng phải xem xét nghiêm túc khung hình phạt VKS truy tố. Và khi ấn định mức hình phạt cụ thể, tòa án không chỉ xem xét khung hình phạt VKS truy tố hay khung hình phạt tòa đưa ra xét xử mà phải căn cứ theo quy định về việc quyết định hình phạt cho người chưa hành niên và quy định liên quan.
Việc đề xuất cho phép VKS được quyền truy tố người chưa thành niên theo mức hình phạt chỉ bằng 1/2 mức hình phạt trong khung hình phạt tương ứng kéo theo nhiều quy định trong BLHS phải sửa đổi. Đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ sửa một số điều luật; còn người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thì phải sửa toàn diện, vì trên 16 tuổi phải chịu TNHS với mọi loại tội phạm. Tôi cho rằng điều này là không cần thiết khi đã có quy định tại Điều 101 BLHS làm cơ sở cho mọi trường hợp người chưa thành niên phạm tội.
Trường hợp không sửa đổi BLHS mà quy định trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên thì sẽ trái với BLHS.
Việc xem xét, sửa đổi các quy định, chính sách nhân đạo, khoan hồng đối với người chưa thành niên là cần thiết và là xu thế chung, chỉ truy cứu TNHS khi không thể áp dụng các biện pháp khác. Nếu cần thiết, chúng ta có thể sửa chính sách hình sự đối với người chưa thành niên tại Chương 12 BLHS, cụ thể là điều chỉnh Điều 101 (về tù có thời hạn).
Đối với dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (nếu có) chỉ cần quy định chính sách khoan hồng hơn, từ đó làm cơ sở để chúng ta sửa đổi Điều 91 BLHS (về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội). Nếu không rất dễ gây xung đột trong quy định của BLHS và Luật Tư pháp người chưa thành niên (nếu có) về thẩm quyền truy tố của VKS và thẩm quyền xét xử của tòa.
ThS.LS NGUYỄN ĐỨC HIẾU (Trường ĐH Luật TP.HCM):
Cần cân nhắc
Xu hướng của thế giới hiện nay đề cao quyền của trẻ em nên có những quan điểm cho rằng cần phải giảm bớt trách nhiệm, đặc biệt là TNHS đối với trẻ em.
Đề xuất cho phép VKS được quyền truy tố người chưa thành niên theo mức hình phạt chỉ bằng 1/2 mức hình phạt trong khung hình phạt tương ứng, nếu đối chiếu với quy định tại Điều 101 của BLHS 2015 (về tù có thời hạn) nghĩa là đang giảm mức hình phạt của người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi.
Có thể thấy việc giảm mức án sẽ hỗ trợ quá trình tái hòa nhập cộng đồng, giảm ảnh hưởng đến tâm lý đối với người chưa thành niên… Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận tại thời điểm này, với quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm, nếu chỉ xử phạt 1/2 mức hình phạt đối với người từ đủ 16 đến chưa đủ 18 tuổi sẽ ảnh hưởng đến đấu tranh phòng, chống tội phạm; đặc biệt những tội phạm có nhiều đồng phạm; các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác… Do đó cần phải cân nhắc.
Ngoài ra, nếu quy định cho phép VKS truy tố 1/2 khung hình phạt thì cần làm rõ vai trò của VKS trong việc truy tố; đưa ra phương án cho việc xử phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
TS PHAN ANH TUẤN (Trường ĐH Luật TP.HCM):
Không cần đưa vào luật
Về hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên, cả hai BLHS năm 1999 (Điều 74) và BLHS năm 2015 (Điều 101) đều quy định “mức hình phạt cao nhất được áp dụng”. Cụ thể, đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.
Còn đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định.
Trước đây khi hướng dẫn quy định về hình phạt đối với người chưa thành niên thì Nghị quyết 01/2006 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã hướng dẫn cụ thể.
Tinh thần của nghị quyết này được hiểu là khi quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội là mức hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội được xác định trong phạm vi là chiết giảm 1/2 hoặc 3/4 của khung hình phạt (thấp nhất và cao nhất) của điều luật (tương ứng với người đã thành niên có thể bị áp dụng).
Do đó, việc quy định vào Luật Tư pháp người chưa thành niên cho phép VKS được quyền truy tố người chưa thành niên theo mức hình phạt chỉ bằng 1/2 mức hình phạt trong khung hình phạt tương ứng là không cần thiết.
Bởi lẽ chỉ cần ra văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật là đủ hoặc sửa lại các quy định tương ứng của BLHS cho phản ánh đúng nội dung của nó. Điều này sẽ hợp lý hơn nhiều so với quy định vào Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Luật sư LÊ TRUNG PHÁT (Đoàn Luật sư TP.HCM):
Khó đáp ứng đủ ba điều kiện
Theo đề xuất của TAND Tối cao, VKS có quyền truy tố người chưa thành niên theo mức hình phạt bằng 1/2 mức hình phạt trong khung hình phạt thì phải đáp ứng ba điều kiện. Trong đó, một điều kiện thuộc về nhóm tính chất, mức độ của hành vi và tội danh, một điều kiện thuộc về ý chí của bị hại và một điều kiện là thái độ thành khẩn khai báo, nhận tội.
Việc ban hành quy định nêu trên là phù hợp và chỉ là cơ chế để giúp VKS thực hành quyền công tố của mình. Và nếu áp dụng cơ chế 1/2 nêu trên thì VKS phải làm rõ hơn trong cáo trạng để làm cơ sở cho việc áp dụng.
Tuy nhiên để được hưởng cơ chế này, không phải dễ với các điều kiện trên. Bởi để có được “sự đồng ý và thỏa thuận của bị hại” cần phải có ý chí xin giảm nhẹ hình phạt của bị hại, sự thỏa thuận được vấn đề bồi thường thiệt hại; nếu việc bồi thường chưa đủ, đúng thì sẽ rất khó để bị can và bị hại thỏa thuận được với nhau. Lúc đó cơ chế 1/2 cũng sẽ không được áp dụng.
Bên cạnh đó, yếu tố “bị can thú nhận hành vi phạm tội, trước khi ra bản cáo trạng” cũng là một yếu tố khá nhạy cảm. Bởi trẻ vị thành niên phạm tội, có nhận thức, tâm lý không ổn định nên việc nhận thức, sự thú nhận hành vi phạm tội khá mơ hồ hoặc không thống nhất. Vì thế, hiện nay tình tiết thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải được áp dụng cho đến khi phiên tòa xét xử. Vì đến khi phiên tòa xét xử, có luật sư tư vấn, HĐXX phân tích, đánh giá thì bị cáo lúc đó sẽ hiểu và thừa nhận hành vi của mình. Nếu yếu tố này buộc phải đưa ra ngay từ lúc hoàn tất cáo trạng có thể sẽ không khách quan.