Tôi đã nêu ý kiến cử tri về vấn đề nâng cao hiệu quả quản lý để lành mạnh hóa không gian mạng, được đăng trên Thông Tấn Xã Việt Nam. Sau đây, tôi xin trích dẫn lại toàn bộ bài viết.
———————————————————————-
Chương trình chất vấn các Bộ trưởng tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã nhận được sự quan tâm theo dõi và những phản hồi tích cực từ cử tri TP Hồ Chí Minh, nhất là việc nâng cao hiệu quả quản lý để lành mạnh hóa không gian mạng.
Theo dõi phần trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Công an, Thạc sĩ Nguyễn Đức Hiếu, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cho rằng, báo cáo của Bộ Công an đã đề cập đến tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội đang diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng gia tăng.
Đây là một thực tế mang tính tiêu cực, ảnh hưởng đến sự ổn định của xã hội. Một số đối tượng đã triệt để lợi dụng các tính năng của mạng xã hội để tuyên truyền, vu cáo, kích động chống Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, gây rối loạn về thông tin. Ngoài ra, trên các trang mạng xã hội còn xuất hiện các video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm lôi kéo người xem để kiếm tiền. Thậm chí, để nổi tiếng trên mạng xã hội, các đối tượng sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, sản xuất các nội dung phản cảm, thiếu tính giáo dục, giả mạo thông tin, kích động bạo lực, bôi nhọ, nói xấu chính quyền….
Bộ Công an cũng thừa nhận, dù các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác theo dõi, rà soát thông tin trên mạng xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi phát tán các tin giả, phản động, xấu độc, vi phạm pháp luật, nhưng hiệu quả công tác đấu tranh với hành vi đưa tin không chính xác, phát tán các video phản cảm, độc hại trên mạng Internet vẫn chưa tương xứng với thực trạng.
Thạc sỹ Nguyễn Đức Hiếu đề xuất, để giải quyết triệt để những vấn đề tiêu cực trên không gian mạng, cần có một giải pháp tổng thể cả từ cơ quan chức năng lẫn sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật là một trong những giải pháp mang tính căn cơ cần được thực hiện trong thời gian tới. “Con người là gốc rễ của hầu hết các vấn đề trong xã hội. Các vi phạm trên mạng xã hội cũng không nằm ngoài nguyên nhân do có nhiều người cố tình vi phạm. Do vậy, giải pháp căn cơ nên hướng tới là tuyên truyền và giáo dục”, Thạc sỹ Nguyễn Đức Hiếu nêu ý kiến.
Theo Thạc sỹ Nguyễn Đức Hiếu, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến với người dân, cần đổi mới phương thức tuyên truyền, không chỉ bó hẹp ở những kênh truyền thống mà nên tiếp cận theo hướng hiện đại là trực tiếp trên các trang mạng. Đồng thời, hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật cần được thực hiện đồng bộ, có hệ thống, với sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng, nhằm tạo những làn sóng thông tin mạnh mẽ để đạt hiệu quả tiếp cận người dân một cách tốt nhất.
Một trong những biện pháp Bộ Công an cần nghiên cứu, triển khai là hướng tới mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an là một tuyên truyền viên hữu hiệu. Cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an cần làm gương trong việc tự rèn luyện bản thân, vận động các thành viên gia đình, làng xóm, khối phố tạo nên một hiệu ứng trong việc tuyên truyền, nhằm lành mạnh hóa môi trường mạng.
Dưới góc độ người dân, ông Lê Thành Nam, cán bộ nghỉ hưu tại phường 12, quận Tân Bình, cho rằng trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên mạng xã hội, rất cần những cơ chế pháp luật đủ mạnh, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng có cơ sở để điều chỉnh, xóa bỏ tính tiêu cực của các thông tin “xấu, độc” đang lan tràn trên mạng xã hội.
Với kinh nghiệm của một người đã có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực pháp lý, ông Lê Thành Nam nêu ý kiến, Bộ Công an và các cơ quan liên quan cần khẩn trương đề xuất Chính phủ ban hành, bổ sung, sửa đổi những quy định về đảm bảo an ninh trên không gian mạng, xây dựng hệ thống văn bản pháp luật hoàn thiện trong lĩnh vực này, hướng tới tạo một cơ chế “tự miễn” cho cộng đồng. Việc tạo ra một cơ chế “tự miễn” bằng pháp luật là điều cần thiết, giúp cho mỗi người dân lên mạng là một chiến sĩ đấu tranh phòng, chống các vi phạm trên mạng xã hội.
Các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công cụ kiểm duyệt nội dung, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không tuân thủ quy định pháp luật. Các bộ, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ tạo sức mạnh tổng hợp trong triển khai các biện pháp quản lý nhà nước về an ninh thông tin mạng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cũng về vấn đề này, Thạc sỹ Nguyễn Đức Hiếu cho rằng, cơ chế bảo vệ của các mạng xã hội đang áp dụng hiện nay như cơ chế “báo cáo vi phạm” khi vi phạm các “tiêu chuẩn cộng đồng” mà các nền tảng xã hội như Facebook, Tiktok… đang áp dụng cũng là một trong những gợi ý cho các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo an ninh mạng. Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả “dọn rác trên không gian mạng”, Bộ Công an cần xây dựng một bộ phận phụ trách tiếp nhận và xử lý các báo cáo vi phạm với những quy định cụ thể, rõ ràng về quyền và trách nhiệm đối với bộ phận đó.
Đồng quan điểm, ông Lê Thành Nam nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh mạng, Bộ Công an và các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu đề xuất, bổ sung quy định trách nhiệm chặt chẽ hơn nữa đối với các mạng xã hội, đặc biệt là các mạng xã hội nước ngoài. Quản lý nội dung trên các mạng xã hội thông qua nguyên tắc “tự quản lý, tự chịu trách nhiệm” đối với chính các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội sẽ “làm sạch” các vi phạm về quyền riêng tư, vi phạm pháp luật hình sự, chống phá nhà nước, các nội dung nhảm nhí, vi phạm thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
“Lành mạnh hóa không gian mạng sẽ trả lại những hiệu quả tích cực, những giá trị tốt đẹp của mạng xã hội, của các ứng dụng khoa học công nghệ mới đối với nhân dân; góp phần vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế”, ông Lê Thành Nam nhấn mạnh thêm.
NGUYEN DUC HIEU